Các Chi Phí Ảnh Hưởng Đến Điểm Hòa Vốn Trong Kinh Doanh F&B
Ở nội dung bài 1, Phong Cách Mộc đã có những chia sẻ khái quát xoay quanh định nghĩa Điểm Hòa Vốn là gì, sơ lược các yếu tố ảnh hưởng cũng như cách tính chỉ số này.
Trong bài viết này, hãy cùng đào sâu hơn về các chi phí sẽ ảnh hưởng đến kết quả điểm hòa vốn. Làm thế nào để cân chỉnh điểm hòa vốn cho phù hợp với mô hình và khả năng đầu tư. Cũng như xác định một số “điểm mù” khi tính chỉ số này và cách khắc phục.
Các chi phí sẽ tác động đến điểm hòa vốn
Hãy nhìn lại công thức cơ bản nhất để tính điểm hòa vốn. Có thể thấy, kết quả sẽ bị tác động bởi các loại chi phí và giá vốn hàng bán.
1. Các hạng mục chi phí lớn
1.1. Chi phí vận hành
- Chi phí thuê mặt bằng: Khoản này có thể dễ dàng xác định từ đầu. Tuy nhiên cần lưu ý, mỗi năm chi phí thuê thường tăng thêm 10%.
- Chi phí lương thưởng: Tùy quy mô và mô hình kinh doanh mà chi phí này có thể dao động sao cho phù hợp. Tuy nhiên, cần đặt trong ngưỡng tối đa 20% tổng doanh thu hàng tháng.
- Chi phí bảo trì, sửa chữa: Các khoản chi phí ngoài dự tính, nhưng nên được liệt kê hoặc dự đoán trước.
- Chi phí marketing: Là các khoản chi phí liên quan đến in ấn, chạy quảng cáo, chi trả cho nhân sự marketing.
- Các khoản chi phí khác (điện, nước, internet…): Là các chi phí phục vụ cho việc vận hành, có thể tính toán hoặc dự đoán dễ dàng.
Ngã 6 Phù Đổng là vị trí đắc địa, được ví như mặt bằng vàng của các doanh nghiệp F&B. Nguồn ảnh: Zing
1.2. Chi phí cơ hội
Giả sử chủ nhà hàng có một cơ hội đầu tư khác an toàn hơn nhưng lại lựa chọn mở nhà hàng. Chi phí cơ hội cần phải được tính vào bảng dữ liệu. Hãy thử tưởng tượng với 2 tỷ gửi tiết kiệm trong 05 năm, mỗi năm lãi 6%, anh/chị tối thiểu sẽ thu về 720 triệu đồng.
Qua từng tháng, tiền lãi có thể không đáng kể nhưng trong cả một quá trình đầu tư sẽ là một con số rất lớn.
1.3. Chi phí khấu hao
- Đầu tư thô: là hạng mục đầu tư liên quan đến xây dựng, sửa chữa, không thể mang đi hoặc thanh lý sau khi ngừng kinh doanh. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư lớn với thời gian khấu hao dài. Do vậy, chủ đầu tư cần cân nhắc và tính toán phù hợp từ trước khi kinh doanh.
Chọn không gian nhà hàng, quán cafe theo mô hình gì, sử dụng kết cấu hay phương án thi công nào sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư thô.
Thử ngay công cụ dự toán chi phí của Phong Cách Mộc:
>>> Dự toán chi phí thiết kế - thi công quán cafe
>>> Dự toán chi phí thiết kế - thi công nhà hàng
- Máy móc trang thiết bị: Là hạng mục đầu tư liên quan mật thiết tới kết cấu thực đơn. Hãy xây dựng một thực đơn tối ưu trang thiết bị máy móc, hạn chế tình trạng một thiết bị chỉ sử dụng để chế biến một món ăn hay đồ uống (Ví dụ: máy đánh cà phê trứng chỉ dùng để pha chế cà phê trứng, thay vào đó, chủ quán có thể tìm cách thức pha chế cà phê trứng khác để tối ưu chi phí cho máy móc).
1.4. Chi phí lãi vay
Trong một số trường hợp, chủ đầu tư sẽ sử dụng nguồn vốn vay từ bên ngoài để đầu tư cho quán. Phần lãi của khoản vay này phải được tính vào để hạn chế sai lệch kết quả điểm hòa vốn. Cũng như tránh trường hợp bị động, ảnh hưởng đến kinh doanh khi đến hạn trả nợ, trả lãi mà ngân sách không có sẵn.
2. Giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng bán (COGs) được định nghĩa là chi phí cần thiết để xây dựng nên mỗi sản phẩm có trong thực đơn của nhà hàng. Ở khía cạnh tồn kho, giá vốn hàng bán thể hiện chi phí cần bỏ ra để duy trì hàng tồn kho, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh cần thiết.
Trên đây là những liệt kê cơ bản các khoản phí lớn sẽ gặp khi bắt đầu kinh doanh F&B. Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế dự án sẽ có nhiều chi phí lớn nhỏ khác mà anh/chị cần liệt kê vào.
Làm sao để giảm điểm hòa vốn trong trong kinh doanh F&B?
Khi ước tính được các số liệu, giá bán trung bình phù hợp nhưng kết quả điểm hòa vốn lại quá cao, anh/chị có thể sử dụng một số cách dưới đây để hạ thấp điểm hòa vốn:
- Giảm thiểu chi phí cố định: Một số khoản chi phí cố định có thể thay đổi như chi phí thuê mặt bằng. Hãy thương lượng để có thể hạ thấp chi phí này. Hoặc kinh doanh online thay vì cửa hàng vật lý cũng là một phương án khi chưa đủ tiềm lực đầu tư chưa sẵn.
- Nâng giá bán trung bình: Giá bán trung bình được đưa ra sau khi đã tính toán toàn bộ chi phí. Hãy tìm hiểu về thị trường, giá bán trung để có phương án điều chỉnh giá bán lên một chút để đạt được điểm hòa vốn như kỳ vọng.
- Hạ thấp chi phí biến đổi: Đừng ngần ngại thương lượng với các đơn vị cung cấp nguyên liệu để có “giá tốt” hơn khi có ý định đầu tư lâu dài.
Một số hạn chế dễ gặp khi tính điểm hòa vốn và cách khắc phục
Công thức điểm hòa vốn cơ bản có vẻ thật đơn giản. Nhưng trong thực tế, điều này không dễ dàng như vậy.
1. Yếu tố thời gian bị bỏ qua
Điểm hòa vốn thường được xác định trước khi kinh doanh. Trong khi rất có thể, cửa hàng phải được mở sau đó rất lâu. Việc trượt giá của đồng tiền có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư vận hành. Các yếu tố ngoại cảnh về kinh tế, xã hội có thể tạo ra sự khác biệt của nhiều khoản phí. Hay chủ quán quên mất các khoản khấu hao tài sản.
Do vậy, khi tính chỉ số này, hãy mở rộng tầm nhìn và có các phương án dự phòng. Đồng thời, điểm hòa vốn cần được theo dõi liên tục, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế của dự án.
2. Đây không phải là công cụ dự đoán tình hình kinh doanh
Điểm hòa vốn không dùng để dự đoán bất kỳ chỉ số nào về tương lai của dự án. Mà nó phản ánh độ khả thi của dự án, thể hiện số lượng sản phẩm, số lượng khách mà nhà hàng, quán cafe của anh/chị CẦN ĐẠT ĐƯỢC để có thể bù được các khoản chi phí đầu tư.
Hãy nhìn nhận về tầm quan trọng của việc tính điểm hòa vốn để có phương án xác định chỉ số này, cũng như có kế hoạch phù hợp cho dự án kinh doanh của mình
>>> Bài 1: Những điều cần biết về điểm hòa vốn trong kinh doanh F&B
Hi vọng những kiến thức mà Phong Cách Mộc tổng hợp đã giúp anh/chị có được hiểu biết cơ bản về điểm hòa vốn. Đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả này. Từ đó đưa ra phương án hợp lý và phù hợp nhất cho dự án của mình.
Là đơn vị cung cấp Giải pháp toàn diện cho không gian kinh doanh, với kinh nghiệm thực hiện hơn 5000 dự án, 500.000m2 không gian, Phong Cách Mộc đủ am hiểu về thị trường F&B để giúp anh chị trong dự án F&B sắp tới. Đừng ngần ngại liên hệ hotline 0888 577 577 để được tư vấn và dự toán chi phí.