Những Điều Cần Biết Về Điểm Hòa Vốn Trong Kinh Doanh F&B
Điểm hòa vốn là chỉ số quan trọng mà các chủ quán kinh doanh F&B cần lưu tâm. Chỉ số này cần được xác định trước và trong khi kinh doanh, cần được theo dõi thường xuyên để giúp chủ quán có cái nhìn tổng quan về mức độ hiệu quả của dự án.
Cụ thể chỉ số này là gì, xác định ra sao, cần lưu ý những điểm nào để tính chuẩn xác, hãy cùng theo dõi chuỗi bài viết liên quan đến Điểm Hòa Vốn của Phong Cách Mộc sau đây.
Điểm hòa vốn là gì?
Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó doanh thu sẽ cân bằng được các loại chi phí để một dự án nhà hàng, quán cafe bắt đầu có lợi nhuận. Nghĩa là, tại điểm này, doanh nghiệp không lỗ nhưng cũng không lãi.
Với đặc thù ngành F&B, một mô hình thường bán ra nhiều sản phẩm với giá bán và giá vốn hàng bán (COGs) khác nhau. Lúc này, điểm hòa vốn cũng sẽ có sự khác biệt, dao động tùy theo đặc điểm mô hình.
Điểm hòa vốn được xác định theo 3 tiêu chí:
- Sản lượng sản phẩm hòa vốn
- Doanh thu tiêu thụ tại điểm hòa vốn
- Thời gian đạt điểm hòa bốn
Vì sao cần phải xác định điểm hòa vốn?
Điểm hòa vốn thường được xác định trước và trong quá trình kinh doanh, và cần được theo dõi thường xuyên. Việc xác định được điểm hòa vốn sẽ giúp chủ quán đánh giá được tổng quan tình hình kinh doanh. Từ đó có các phương án điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, số lượng bán ra, cân đối nhiều tiêu chí để đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Xác định điểm hòa vốn cần lưu ý những gì?
Xác định càng đầy đủ các loại chi phí liên quan đến quản lý và vận hành, càng giúp chủ quán tìm ra chính xác điểm hòa vốn của dự án. Loại bỏ chi phí dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến kết quả thay đổi.
Điểm hòa vốn bị tác động bởi một số chi phí như:
- Chi phí khấu hao đối với các hạng mục đầu tư thô (xây dựng, sửa chữa…), máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ….
- Chi phí vận hành: chi phí mặt bằng, chi phí lương thưởng, chi phí marketing….
- Giá vốn hàng bán có thể hiểu đơn giản là chi phí cần thiết để tạo ra một sản phẩm
- Chi phí lãi vay là chi phí cần lưu ý nếu chủ quán sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư cho dự án
Thông thường, chủ quán sẽ xác định điểm hòa vốn trước kinh doanh và liên tục điều chỉnh trong quá trình trong kinh doanh.
- Trước kinh doanh: Đây là giai đoạn giả định, dự án chưa vận hành và tạo ra doanh thu thực tế. Tuy nhiên, các cơ sở hiện có cũng phần nào giúp chủ quán không còn mơ hồ, xác định được điểm hòa vốn một cách tương đối.
- Trong kinh doanh: sau khi làm rõ ở giai đoạn giả định, điểm hòa vốn sẽ được điều chỉnh phù hợp và chính xác hơn dựa trên tình hình kinh doanh, phát sinh thực tế.
Cách thức tính điểm hòa vốn
Có 2 cách thức tính điểm hòa vốn:
- Tính điểm hòa vốn theo doanh thu: là cách tính điểm hòa vốn dựa trên số tiền thu về
- Tính điểm hòa vốn theo sản phẩm: là cách tính điểm hòa vốn dựa trên số sản phẩm bán ra
Dù xác định điểm hòa vốn dựa trên doanh thu hay số lượng sản phẩm, thì mấu chốt của điểm hòa vốn đều nằm ở việc xác định được giá bán trung bình của một đơn hàng.
Công cụ tính điểm hòa vốn
Có nhiều cách để chủ quán có thể xác định điểm hòa vốn của dự án, thông qua các ứng dụng tự động, qua phần mềm excel…. Tuy nhiên, bằng cách nào, thì chủ quán cũng cần hiểu rõ bản chất của các chi phí sẽ ảnh hưởng đến điểm hòa vốn. Từ đó mới có thể đánh giá và đưa ra được phương án phù hợp cho dự án của mình.
Có thể nói, điểm hòa vốn là chỉ số quan trọng mà các chủ quán cần quan tâm, làm rõ và liên tục đánh giá để có được cái nhìn khách quan cho toàn cảnh dự án kinh doanh.
Bài viết trên đây là những giới thiệu giản lược về khái niệm điểm hòa vốn trong kinh doanh F&B. Mời các anh chị cùng đón đọc các bài viết tiếp theo để tìm hiểu sâu hơn về các chi phí xoay quanh điểm hòa vốn cùng các ví dụ cụ thể về chủ đề này từ Phong Cách Mộc trong thời gian tới.